THÔNG TIN SỨC KHOẺ

Chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu giúp thai nhi thông minh, khỏe mạnh

Ba mẹ nào cũng luôn mong muốn con mình khỏe mạnh, thông minh ngay từ trong bụng mẹ. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất và trí não của thai nhi. Vậy mẹ bầu cần có chế độ dinh dưỡng như thế nào để thai nhi khỏe mạnh và thông minh ngay từ trong bụng mẹ?

Nhu cầu dinh dưỡng của mẹ bầu trong thai kỳ
Trong thai kỳ, nhu cầu về năng lượng và chất dinh dưỡng của mẹ bầu tăng cao so với lúc chưa mang thai, cụ thể:

●    Năng lượng: Trong tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa thai kỳ), mẹ bầu cần bổ sung thêm khoảng 360 kcal/ngày; sang tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ), con số này nên tăng lên khoảng 475 kcal/ngày, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của cả mẹ lẫn thai nhi.
●    Protein: Nhu cầu protein cho bà bầu tăng 15g/ngày cho 6 tháng đầu và 18g/ngày cho 3 tháng cuối (ưu tiên nguồn đạm từ động vật như thịt, cá, trứng, sữa,...)
●    Chất béo: Chiếm khoảng 20–25% tổng năng lượng hàng ngày, tương đương khoảng 60g chất béo/ngày. Ngoài việc cung cấp năng lượng, chất béo còn giúp hoà tan các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K.
●    Vitamin: vitamin A (500mcg/ngày), vitamin D (5mcg/ngày), vitamin B12 (2.6mcg/ngày), Vitamin B1(1.4mg/ngày), vitamin C (80mg/ngày), folic (600mcg/ngày)
●    Chất khoáng: Canxi (1,000mg/ngày), sắt (tăng từ 15 - 30 mg/ngày so với lúc chưa mang thai), kẽm,...

Mẹ bầu nên kiêng ăn gì khi mang thai?
Trong thai kỳ, những thực phẩm mẹ bổ sung vào cơ thể sẽ được thai nhi hấp thụ. Do đó, mẹ bầu cần phải lựa chọn thật kỹ những thực phẩm giàu dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng cần chú ý:

●    Tuyệt đối không nên ăn các loại thực phẩm còn sống hoặc tái, vì chúng có thể còn chứa nhiều vi khuẩn có hại cho sức khỏe do chưa được nấu chín hoàn toàn.
●    Thực phẩm chứa nhiều gia vị cay, nóng cũng không tốt cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.
●    Không nên ăn thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và các món ăn quá mặn, bởi chúng thường chứa hàm lượng muối và dầu rất cao, có thể khiến mẹ bầu bị tăng huyết áp, tăng nguy cơ tiền sản giật hoặc sản giật.
●    Hạn chế tối đa thực phẩm chứa nhiều đường, bánh kẹo ngọt hoặc nước ngọt, vì có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ.

●    Tránh xa các chất kích thích như rượu, bia, cafe, thuốc lá,…
●    Vào 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu nên kiêng dứa (thơm), rau răm, tía tô,… bởi những loại thực phẩm này gây co bóp tử cung và tăng nguy cơ sinh non.
●    Với những mẹ bầu có cơ địa dễ dị ứng, không nên cố thử những món lạ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
●    Không tự ý sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.


Mẹ bầu nên bổ sung những gì vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày để thai nhi khỏe mạnh, thông minh?
Dưới đây là gợi ý những loại thực phẩm mẹ bầu nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày để giúp thai nhi khỏe mạnh và thông minh ngay từ trong bụng mẹ.

Thịt

Các loại thịt nạc (thịt lợn, thịt bò, thịt gà,...) là nguồn cung cấp dồi dào các loại dưỡng chất thiết yếu cho mẹ bầu như protein, sắt và vitamin nhóm B.
Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu cần nhiều protein để duy trì sức khỏe và giúp thai nhi phát triển. Ngoài ra, trong thịt còn chứa nhiều vitamin B6 hỗ trợ hình thành mô và phát triển não bộ của thai nhi, vitamin B12 giúp duy trì hệ thần kinh khỏe mạnh. Vitamin nhóm B còn có tác dụng làm giảm triệu chứng ốm nghén ở mẹ, do đó, mẹ bầu nên đa dạng hóa các loại thịt trong chế độ dinh dưỡng để cơ thể hấp thụ một cách tối ưu nhất.

Xem thêm: Tothema - “Bạn đồng hành” không thể thiếu cho mẹ bầu trong thai kỳ

Cá hồi

Cá hồi luôn nằm trong danh sách “thực phẩm vàng” cho mẹ bầu nhờ hàm lượng cao omega-3 (DHA và EPA) cùng nguồn chất đạm dồi dào. Axit béo omega-3 đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển não bộ và thị giác của thai nhi, giúp bé thông minh và khỏe mạnh hơn ngay từ trong bụng mẹ.
Một số khuyến cáo cho rằng phụ nữ khi mang thai cần hạn chế tiêu thụ thực phẩm có hàm lượng thủy ngân cao, do đó nhiều mẹ bầu lo ngại khi ăn cá hồi. Tuy nhiên, mẹ hãy yên tâm vì trong cá hồi chỉ chứa một lượng thủy ngân rất thấp và được kiểm chứng an toàn cho phụ nữ mang thai.

Trứng

Nhờ cung cấp hàm lượng dưỡng chất dồi dào bao gồm chất đạm, sắt, kẽm, choline, folate,..., trứng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển trí não của trẻ, từ đó ngăn ngừa nguy cơ khuyết tật ống thần kinh như tật nứt đốt sống.
Bên cạnh đó, trứng còn cung cấp một lượng lớn vitamin D, có tác dụng làm giảm nguy cơ tiền sản giật ở mẹ bầu. Do đó, mẹ bầu nên duy trì ăn từ 3-4 quả trứng mỗi tuần, kết hợp cả lòng trắng và lòng đỏ để đảm bảo cơ thể hấp thụ trọn vẹn các dưỡng chất.

Sữa và các chế phẩm từ sữa

Đây là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của mẹ bầu, bởi chúng cung cấp đủ các nhóm chất thiết yếu cho cơ thể như chất đạm, canxi, vitamin D, chất béo, kẽm,...
Mẹ bầu nên bổ sung từ 2-3 cốc sữa vào thực đơn hàng ngày của mình, có thể linh hoạt lựa chọn giữa sữa bột, sữa tươi, sữa chua,...

Các loại hạt, đậu

Ngoài cá hồi, mẹ bầu cũng nên bổ sung thêm các loại hạt (như hạnh nhân, óc chó, macca, hạt lanh, hạt bí,...) và các loại đậu (như đậu nành, đậu Hà Lan, đậu lăng,...). Đây là những nguồn thực phẩm giàu omega-3, protein, sắt, canxi, folate và vitamin. Đặc biệt, folate có trong đậu được xem là dưỡng chất vô cùng cần thiết đối với sức khỏe của cả mẹ và bé, nhất là trong tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu thai kỳ), hỗ trợ đẩy lùi nguy cơ trẻ mắc dị tật ống thần kinh hoặc sinh ra bị nhẹ cân, thể trạng yếu.
Ngoài ra, lượng chất xơ dồi dào có trong các loại đậu và hạt còn giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón thường gặp ở mẹ bầu.

Rau có màu xanh đậm

Các loại rau có màu xanh đậm như bông cải xanh, rau bina, rau ngót, xà lách,... là nguồn cung cấp dưỡng chất tuyệt vời cho mẹ bầu, như chất xơ, vitamin A, C, K và nhiều khoáng chất như canxi, sắt, kali, folate,... Đặc biệt, nhóm thực phẩm này còn chứa sulforaphane - một hợp chất có lợi trong rau xanh - tốt cho hệ tiêu hóa và tăng khả năng miễn dịch của cả mẹ và bé.
Việc bổ sung rau xanh đầy đủ trong mỗi bữa ăn còn có tác dụng ngăn ngừa tình trạng táo bón ở mẹ bầu nhờ hàm lượng chất xơ dồi dào. Ngoài ra, vitamin A trong rau xanh còn giúp thúc đẩy sự phát triển xương, da và thị lực cho thai nhi.

Các loại trái cây mọng nước

Cam, quýt và các loại trái cây họ cam quýt rất giàu vitamin C, kali và axit folic – giúp mẹ tăng sức đề kháng, hấp thu sắt tốt hơn và hỗ trợ ngăn ngừa dị tật ở thai nhi. Ăn hoặc uống nước cam mỗi ngày còn giúp quá trình trao đổi chất diễn ra hiệu quả, cho mẹ khỏe – bé phát triển tốt.
Ngoài ra, dâu tây, cherry, việt quất, nho… cũng là những loại quả mọng chứa nhiều vitamin và khoáng chất có ích cho sự phát triển của hệ thần kinh và trí não ở trẻ, cũng như ngăn ngừa nguy cơ suy giảm trí nhớ của mẹ bầu trong suốt thai kỳ và sau khi sinh con.

 
Xem thêm: Hãy bổ sung Vitamin D3 cho con ngay từ giai đoạn đầu đời

Kết luận: Một chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp mẹ bầu duy trì sức khỏe và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của thai nhi. Hãy lắng nghe cơ thể, ăn uống đa dạng và cân bằng để mỗi bữa ăn là một bước tiến nuôi dưỡng con yêu khỏe mạnh, thông minh ngay từ trong bụng mẹ.

 

Gọi điện SMS Chỉ Đường